Làm gì trong giai đoạn ''nước rút'' cuối cùng của TOEIC: luyện đề?

Hi các bạn, mình là Phan Kiều Trang, sinh viên năm 4 khoa quản trị kinh doanh, trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Mình đi học TOEIC khi đã là sinh viên năm cuối, nên thời gian học của mình khá gấp, không được thư thái và thoải mái như các bạn sinh viên năm 2, năm 3. Giai đoạn áp lực nhất có lẽ là giai đoạn luyện đề, ôn cấp tốc để đi thi.

Dù đã được chuẩn bị kiến thức khá kĩ lưỡng, nhưng hoang mang gần như là tâm lý chung của tất cả mọi người trong giai đoạn đó. Thời điểm này, chúng mình cũng sẽ phải đối mặt với áp lực rất lớn từ thời gian cấp tốc cho tới sức ép do chính mình tự tạo ra. Nếu bạn đang trong giai đoạn này, hoặc chuẩn bị trong giai đoạn này, hãy đọc bài viết chia sẻ này của mình nhé !

 

điểm Toeic Phan Kiều Trang

 

1. Lựa chọn thời điểm và không gian yên tĩnh để học.

Trang biết có rất nhiều bạn có thể học được trong môi trường có nhiều âm thanh hay tiếng ồn. Có những bạn còn có thể viết bài trong quán ăn hay đọc sách ở công viên đông người. Vậy nhưng, trong giai đoạn luyện đề cấp tốc, hãy chọn một không gian yên tĩnh, tránh ồn ào để bạn tập trung hơn. Hãy ngồi gần cửa sổ để tiếp xúc với nguồn ánh sáng tự nhiên và luồng không khí lưu thông trong phòng. Việc này giúp bạn cảm thấy thoải mái, học dễ vào đầu.

 

2. Học vào ban ngày, tránh thức khuya.

Thức khuya sẽ khiến cơ thể của bạn mệt mỏi, làm giờ giấc sinh hoạt đảo lộn. Vì vậy, nếu bạn bận đi học, đi làm thêm, về nhà trong trạng thái đã mệt nhoài thì đừng cố gắng ngồi vào bàn học. Lúc này, bạn sẽ làm cho chính mình mệt mỏi. Bạn có thể lướt qua bài học để xác định xem mình đã học tới đâu, giống như việc gửi tất cả vào tiềm thức của bộ nhớ trước khi đưa cơ thể vào giấc ngủ. Mặt khác, theo nghiên cứu khoa học mà Trang được đọc, khả năng lao động trí óc của con người tăng dần từ sáng sớm tới gần trưa, sau đó giảm dần. Nếu không thể học vào tối, hay vào sáng, bạn cũng có thể học vào buổi trưa nhé!

 

3. Đặt ra mục tiêu cho mỗi buổi học và hoàn thành mục tiêu đó.

Theo kinh nghiệm của Trang, chỉ cần bỏ ra 10 phút để lập kế hoạch, bạn sẽ tiết kiệm được 90% thời gian hoàn thành và hiệu quả công việc. Để đạt được điều này, hãy lên lịch cụ thể cho từng buổi học hàng ngày, hàng tuần. Việc gì quan trọng hơn thì làm trước.

Trang dành thời gian 1 tiếng để làm đề Listening buổi sáng (45 phút làm đề) và chữa bài. Thời gian còn lại để chữa bài và rút kinh nghiệm. Đầu giờ chiều, sau khi nghỉ trưa khoảng 30 phút, Trang dành 2 tiếng để làm đề Reading (75 phút làm đề) và chữa bài, viết những từ mới cần học. Dù bận thế nào, Trang vẫn cố gắng sắp xếp thời gian để hoàn thành được đề và chữa đề trong buổi tự học đó.

 

4. Tận dụng triệt để audio script và phần giải thích đáp án của bài đọc.

Ngoài việc dành ra thời gian để làm bài tập, bạn hãy tập trung cho việc chữa bài. Khi luyện thi, bên cạnh việc chấm điểm câu đúng, câu sai, việc tìm hiểu lý do tại sao đúng, tại sao sai cũng rất quan trọng. Việc tìm ra lỗi sai và hiểu tại sao sai sẽ giúp bạn ghi nhớ và tránh lỗi này ở những lần sau. Hãy tận dụng triệt để phần giải thích đáp án của bài đọc nhé.

Khi chữa đề Listening, bạn hãy đọc kĩ script, lọc từ mới để học riêng. Nghe lại bài nghe và theo dõi từng dòng giúp bạn sẽ hiểu sâu hơn về bài nghe. Khi kiên trì học script, bạn sẽ trau dồi được vốn từ vựng, có khả năng phán đoán rất tốt cho mỗi bài nghe và quan trọng nhất là khả năng suy luận và ghi nhớ toàn bộ ý chính của bài. Bạn cũng có thể áp dụng cách chép chính tả mà Trang dùng để học scrpit hiệu quả.

 

hình ảnh Kiều Trang

 

5. Dành thời gian để học cụm từ:

Bài thi TOEIC yêu cầu thí sinh cần biết nhiều từ vựng, hoặc tối thiểu cũng phải nắm được nhóm từ vựng hay kiểm tra trong bài. Từ vựng đứng một mình không có nhiều giá trị bằng với những tự vựng thường đi với nhau. Dành thời gian luyện đề, nhưng cũng hãy dành thời gian để học nhiều các cụm từ, từ vựng trong bối cảnh của bài đọc, bài nghe nhé !

Khi đã học tốt các cụm từ, bạn sẽ không bị đánh lừa bởi các bẫy vặt trong bài thi. Trang đưa ra một ví dụ nhỏ cho các bạn thế này. Ví dụ từ writing (viết) và riding (cưỡi). Chúng phát âm giống hệt nhau, nếu chỉ nghe thôi sẽ gây hoang mang khi học và sẽ trở thành ''cạm bẫy'' cho những ai học từ rời rạc. Nếu học theo cụm từ thì bạn sẽ phân biệt được ngay ''writing an email'' (viết một email) và ''riding a bike'' (đạp xe). Bạn chỉ cần nghe được ''bike'' hoặc ''email'' thôi là sẽ không bị nhầm lẫn từ nữa.

Trên đây là những kinh nghiệm của Trang trong giai đoạn ''nước rút'' - luyện đề TOEIC. Rất mong những chia sẻ của Trang sẽ hữu ích với các bạn. Nếu có thắc mắc hay bất cứ điều gì cần hỏi, hãy liên hệ với Trang qua: Facebook

Lịch khai giảng Facebook Hotline 0983.662.216 Các khóa học Đăng ký tư vấn