Vẫn biết tiếng Anh là vô cùng quan trọng và thiết thực với học tập và công việc song không phải ai cũng có đủ kiên nhẫn để nỗ lực cải thiện môn ngoại ngữ này. Chính bởi vậy nên tình trạng “mất gốc tiếng Anh” hay “học tiếng Anh 10 năm vẫn không giao tiếp nổi” không còn là điều xa lạ. Để thay đổi thực tế này hẳn là chúng ta cần chấn chỉnh ngay lại tác phong của mình bắt đầu từ việc tìm kiếm một nguồn động lực học tiếng Anh để cùng khởi động “dự án yêu lại từ đầu với Tiếng Anh” nhé.
Tại sao bạn luôn thấy thiếu động lực học Tiếng Anh?
Hẳn là không dưới một lần chúng ta mang theo ý chí “ngùn ngụt” với môn tiếng Anh. Đó có thể là thời điểm cách kỳ thi còn 2 – 3 ngày. Hay đó là lúc bạn vô tình gặp một người nước ngoài nhưng không biết làm sao để giao tiếp? Hoặc cũng có thể là khi bạn chợt phát hiện ra rằng vị trí mà mình muốn ứng tuyển lại yêu cầu tiếng Anh?
Với mỗi người luôn có rất nhiều lý do để tạo hứng thú, động lực học tiếng Anh cho bản thân. Tuy nhiên, vấn đề là hứng thú đó, động lực đó duy trì được trong thời gian bao lâu? 1 tuần? 2 tuần? 1 tháng? Đây cũng chính là lý do khiến chúng ta luôn thấy trì trệ, chán nản với môn ngoại ngữ này. Mặc dù, chỉ mới trước đó chưa lâu bản thân còn đầy khí thế. Vậy thực tế thì tại sao việc duy trì động lực học Tiếng Anh lâu dài lại khó đến vậy?
Học với tâm thế bị “ép buộc”
Khi mang theo một tâm lý bị ép phải học rất dễ bản thân chúng ta cảm thấy khô khan, nhàm chán. Việc học có thể chỉ thực hiện một cách máy móc, thụ động. Như vậy thì thật sự rất khó để nhận thấy sự thú vị của môn học này. Và cũng vì lẽ đó mà chúng ta chẳng thể khơi dậy nổi hứng thú, động lực để học tập.
Chỉ nhìn vào lợi ích trước mắt
Học tiếng Anh muốn đạt được kết quả cần duy trì nghiêm túc trong thời gian dài. Chính bởi thế, khi không nhìn thấy lợi ích ngắn hạn, nhiều người sẽ thấy chán nản, muốn bỏ cuộc. Rõ ràng, bạn không thể nào giỏi tiếng Anh chỉ sau vài buổi học. Bạn cũng chẳng thể nào giao tiếp tốt tiếng Anh khi chưa trải qua quá trình rèn luyện lâu dài. Vậy nên nếu bạn muốn đạt được hiệu quả như kỳ vọng, bạn sẽ cần thay đổi cách nhìn của mình ngay từ bây giờ.
Không áp dụng được kiến thức đã học
Nhiều người vẫn đang học tiếng Anh một cách khá thụ động. Có thể họ chỉ cố gắng nhồi nhét thật nhiều kiến thức vào đầu song lại không biết cách xử lý và ứng dụng. Điều này thường xảy ra khi bản thân xem tiếng Anh chỉ là một môn học chứ không phải là công cụ. Học mà không sử dụng sẽ dẫn đến việc dễ bỏ quên. Học không đi đôi với thực hành sẽ thành sáo rỗng. Kiến thức theo đó mà dần dần hao hụt, bản thân sẽ dần thấy tiếng Anh nhàm chán. Đây cũng chính là lý do có những người học tiếng Anh 5 năm, 10 năm nhưng vẫn không giao tiếp nổi.
Rõ ràng, học mà thiếu đi động lực thì thật khó để đạt hiệu quả như mong đợi. Tuy nhiên, không ít người dường như vẫn còn khá loay hoay với mớ giáo trình mà chưa biết tìm kiếm hứng thú học tập ở đâu. Vậy giải pháp ở đây là gì?
7 bí quyết giúp duy trì động lực học tiếng Anh cho tất cả mọi người
Xây dựng đam mê, khơi nguồn hứng thú để duy trì động lực học tiếng Anh lâu dài, tích cực chính là chìa khóa vàng giúp bạn gắn bó và thành công với môn ngoại ngữ này. Sau đây, Athena sẽ cùng chia sẻ đến bạn những bí quyết để giúp việc học trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn nhé.
Tạo niềm đam mê với ngôn ngữ bạn đang học
Để có thể kiên trì và đạt được thành công trong mọi mục tiêu, rõ ràng không thể thiếu đam mê. Tất nhiên, khi bạn học tiếng Anh cũng vậy.
Rõ ràng không phải ai cũng có sở thích hay năng khiếu với môn học này. Song việc tự xây dựng đam mê dựa trên những khía cạnh đẹp đẽ mà nó vốn có lại là điều hoàn toàn có thể. Và một trong những phương pháp mang đến động lực học tiếng Anh hiệu quả chính là học vì sở thích hay gắn tiếng Anh đi cùng sở thích cá nhân để duy trì việc học lâu dài và hứng khởi.
Nếu bạn là một người yêu nhạc, bạn có thể nghe những bài hát tiếng Anh. Hay nếu bạn là người thích xem phim bom tấn, bạn có thể học qua những bộ phim. Hoặc nếu bạn đam mê ẩm thực, bạn thích nấu ăn thì bạn có thể theo dõi các chương trình như Master chef, Chopped,… Dễ nhận thấy rằng khi bạn làm điều này, trí tò mò của bạn sẽ bị kích thích. Bạn sẽ luôn muốn tìm hiểu thêm về văn hóa và ngôn ngữ của họ. Và tất nhiên, giải pháp duy nhất ở đây chính là học tiếng Anh rồi.
Ngoài việc gán tiếng Anh theo sở thích để học, bạn cũng có thể đa dạng hóa hình thức học tập. Không nhất định lúc nào cũng phải áp dụng theo một lịch trình học. Bạn có thể biến giờ học thú vị hơn nếu thi thoảng thay đổi việc học từ vựng bằng cách xem phim hay nghe nhạc. Hẳn là sẽ vui vẻ và thư giãn hơn rất nhiều đúng không?
Nghỉ ngơi và học tập đúng thời điểm
Thông thường, khi mới bắt đầu học có thể bạn sẽ có động lực vô cùng to lớn và đặt ra kỳ vọng rất cao cho bản thân. Chính bởi vậy nên thường cố học với khối lượng lớn kiến thức mà không nghỉ ngơi. Thời gian đầu có thể bạn vẫn thấy hứng thú. Tuy nhiên, về lâu về dài bạn sẽ dần thấy mệt mỏi và chán nản. Đây chính là hệ quả của việc không sắp xếp lịch trình học tập – nghỉ ngơi phù hợp.
Thay vì miệt mài học ngày học đêm, bạn có thể lựa chọn phương pháp học tiếng Anh thường xuyên theo một cách khác. Tốt nhất là nên thiết kế một thời khóa biểu học phù hợp áp dụng mỗi ngày. Bên cạnh đó cũng cần nhớ rằng để có được hiệu quả bạn cần biến tiếng Anh thành 1 thói quen hàng ngày. Đừng quên luôn trở lại với nó và cũng đừng chìm mải bận rộn trong bộn bề công việc mà xao nhãng việc học nhé.
Chia nhỏ mục tiêu và ghi lại quá trình tự học của bản thân
Mọi người thường note 30 – 60 phút học tiếng Anh mỗi ngày như một mục tiêu cho bản thân. Song nó chưa đủ cụ thể để thôi thúc chúng ta bắt đầu việc học. Thay vào đó, bạn có thể đề ra mục tiêu cụ thể và chia nhỏ thành từng phần để việc học được dễ dàng, hứng thú hơn. Ví dụ như:
+ Note 1: dịch bài hát Take me to your heart sang tiếng Việt
+ Note 2: nghe bài hội thoại 2 lặp lai 5 lần
+ Note 3: học từ vựng từ số 55 – 60
Bạn cũng nên lập một lộ trình học tiếng Anh từ A – Z một cách chi tiết. Khi đạt được thành quả, bạn đánh dấu lại để nhận biết nỗ lực và sự tiến bộ của bản thân. Chắc chắn bạn sẽ thấy những niềm vui nho nhỏ trên từng chặng đường rèn luyện tiếng Anh này, sẽ trở thành động lực thiết thực giúp bạn kiên trì đến cùng đấy.
Không so sánh và nghĩ tích cực về trình độ tiếng Anh của bản thân
Không ít người thường khá tự ti về trình độ ngoại ngữ của bản thân. Nếu bạn cũng là một trong số đó thì đừng vội chán nản, bởi có lẽ khả năng tiếng Anh của bạn tốt hơn bạn nghĩ nhiều đấy. Có thể bạn không ở ngưỡng được đánh giá quá cao và vẫn cần cải thiện nhiều. Song cũng không đồng nghĩa rằng bạn quá kém cỏi.
Thông thường, mọi người thường nghĩ tiêu cực về bản thân là do khi so sánh với những người bản xứ hoặc những người đã thành thạo trong giao tiếp tiếng Anh. Rõ ràng điều này không hề công bằng và bạn cũng không cần phải so sánh. Mỗi một người có xuất phát điểm, nền tảng cũng như môi trường điều kiện khác nhau. Bởi vậy, việc của bạn là phấn đấu để trình độ mình ngày một nâng cao chứ không phải là tham chiếu với năng lực của ai đó.
Sử dụng tiếng Anh ở bất kỳ nơi nào bạn có thể
Học luôn cần đi đôi với thực hành và với một môn đầy tính ứng dụng như tiếng Anh thì bạn càng phải nỗ lực thật nhiều. Bạn nên cố gắng biến nó trở thành 1 phần trong chính cuộc sống thường nhật của bạn. Điều đó sẽ giúp trình độ của bạn cải thiện nhanh chóng hơn đấy.
Phương pháp tối ưu nhất là sử dụng tiếng Anh nhiều nhất có thể. Đó có thể là việc bạn thiết lập tiếng Anh làm ngôn ngữ mặc định cho điện thoại hay laptop. Hoặc là khi bạn thử đọc các mẩu tin, bài báo tiếng Anh. Hay đôi khi chỉ là vài dòng note dành cho bản thân trong cuộc sống. Rõ ràng từ những điều nhỏ nhất, bạn đã khiến việc hiện hữu của tiếng Anh trở nên gần gũi hơn. Và tất nhiên, việc quen thuộc với tiếng Anh sẽ giúp chúng ta học hiệu quả hơn, học hứng thú hơn. Đây cũng là một bí quyết tuyệt vời khi bạn cần một động lực học tiếng Anh lâu dài đấy.
Tìm một người bạn đồng hành có thể học tiếng Anh cùng bạn
Nghiên cứu khoa học nhận thấy rằng việc bạn có một người bạn đồng hành cũng chính là một động lực học tiếng Anh vô cùng hiệu quả. Hình dung một cách đơn giản hơn như lúc bạn muốn chạy bộ vào buổi sáng. Để thức dậy vào lúc 4 – 5h là một việc không hề dễ dàng với nhiều người. Song, nếu bạn có một người sẵn sàng chạy cùng thì chắc chắn bạn sẽ có nhiều hứng thú và động lực để rời giường mỗi ngày. Và với tiếng Anh cũng tương tự như vậy. Bạn có thể học cùng bạn của mình trên các nhóm học trực tuyến hoặc các trang web nước ngoài như: conversationexchange.com, easylanguageexchange.com, Speaking24.com,…
Đầu tư và nghiêm túc học tiếng Anh
Không có thành quả nào mà thiếu sự đầu tư và nghiêm túc. Khi bạn học tiếng Anh, nếu bạn mong muốn hiệu quả tốt nhất bạn cũng cần phải chấp nhận bỏ ra: tiền bạc – thời gian và công sức. Trong thực tế có không ít các chương trình, khóa học tiếng anh miễn phí và chúng ta hoàn toàn có thể tham gia. Tuy nhiên, phần lớn mọi người thường khá hời hợt với những thứ free. Chính bởi tâm lý này nên hiệu quả sau các khóa học không cao.
Chất lượng của học trình là điều vô cùng quan trọng nhưng bên cạnh đó thì trách nhiệm của bản thân học viên cũng phải đặt ra ở mức cao. Vì thế, luôn đòi hỏi sự nghiêm túc và đầu tư đúng mực về thời gian, tiền bạc, công sức vào việc học. Có như vậy mới đảm bảo bạn đạt được kết quả như kỳ vọng đặt ra.
Xem thêm: cách học tiếng anh hiệu quả, học tiếng anh cơ bản
Tóm lại
Bài viết trên đây đã chia sẻ đến bạn một vài bí quyết giúp cải thiện và tạo động lực học tiếng Anh một cách hiệu quả, lâu dài. Anh ngữ Athena hi vọng nhờ vào đây, bạn sẽ rút ra được kinh nghiệm và định hướng lại việc học tập của mình một cách hợp lý và hiệu quả hơn. Chúc bạn thành công!